CỰU HỌC SINH KHÓA 76

Xin mời các bạn cựu học sinh K76 (1969-1976) viết bài và gửi ảnh.
Xin vui lòng gửi về e-Mail: cuuhocsinhk76@gmail.com

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

TRANG THƠ LƯU PHÚC

VỀ TUY HÒA

Về Tuy Hòa
                 nghe dư hương thời mới lớn
Ngoài kia sóng gợn, Thu trôi
Em lâu quá chưa về thăm chốn cũ
Ta miên man từ độ bước qua đời...

Góc Duy Tân rẽ cà phê PHƯỢNG
Lá vẫn bay, mây bàng bạc nửa trời
Aó trắng chiều xưa đỏng đảnh
Chập chờn còn mãi không thôi

Có thể
       bây giờ em đang ở nửa bên kia trái đất,
Hay nơi nào trên nước Việt ( xa xôi )
Xin một lần ghé về ký ức
Tình đầu còn ngọt bờ môi

Tuy hòa bây giờ khác thuở em và tôi
Đi qua lối xưa thấy mình ngờ ngợ
Ngày mới tưng bừng phố chợ
Nhớ nhịp leng keng xe ngựa năm nào

Tôi thả hồn tìm lại vì sao
Đêm xưa ta gởi niềm mơ ước
Tình bay sau làn khói thuốc
Tuy hòa ơi !
                  Người ơi !
                               Nỗi nhớ dâng trào !

                                         

MỘT THOÁNG TUY HÒA

Mưa giăng qua tháp cổ
Cánh nhạn về lưa thưa
Ta lang thang lối xưa
Năm tháng cũ chợt về
Nối tình Xuân còn lại
Người đi còn đi mãi
Ta nghe đời gõ nhịp
Con sóng mãi thương bờ
Còi tàu đi và đến
Ráng đỏ cuối trời quê
Đã mấy năm rồi nhỉ
Từ buổi sân trường - Hè
Quay mặt lau nước mắt
Mai ta " Người nhà quê"
Em đi về nơi nớ
Vui với phía bên tê
Ta bên ni khắc khoải
Con cuốc gọi đêm Hè
Trăm năm đời vẫn thế
Sáng Tuy hòa nắng rọi
Trưa Tuy hòa gió reo
Đêm Tuy hòa sóng vỗ
Ai có còn mang theo

HÌNH NHƯ NẶNG CÁNH CHIM DI

   Con  nước sông Tiền thong thả về khơi
   Ta lãng đãng gót mòn dong ruổi
   Cuộc rượu gặp nhau mừng quen biết mới
   Chào bạn , chào em ... chào phố hiền hoà

   Đêm trăng gầy ai hát đong đưa
   Khúc cải lương mềm lòng lữ khách

   Người nghệ sĩ đã về cõi khuất
   Mà dư âm còn mãi chưa mờ
   Dâng trọn đời mình cho nghệ thuật thăng hoa
   " Bà Năm Sa Đéc"
   Tên người như tên đất

   Về Nha Mân ,ta tìm dấu tích
   Người cung vua ở lại giữa đường *
   Phận má hồng - Kiếp thuyền quyên
   Ca dao quê hương trăm năm còn lại
      " Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
   Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân" *

   Ngồi bên em nhạt nắng chiều Xuân
   Con nước lớn theo tiếng kêu bìm bịp
   Từ gặp em ta thấy đời thêm đẹp
   Cánh chim di... như chớm thấy đất lành

NẪU

Nếu ngày xưa tôi dạn như bây giờ
Thì có lẽ NẪU không về với NẪU
Và hồn tôi không lạc vào hư ảo
Mà sẽ là bóng mát của đời nhau

Dẫu đi qua tròn cuộc bể dâu
Ký ức xanh vẫn còn xanh mãi
Bởi tình đầu ngây thơ vụng dại
Nên trăm năm còn lại trinh nguyên

Tôi yêu NẪU
NẪU yêu tôi
Như Adam yêu Eva buổi hồng hoang
Khi chưa ăn trái cấm

Môt đời đi qua
Một chiều hoài niệm
Nghe bước NẪU về trên phiến Thu phai
                                             
BA LĂM NĂM

Ba lăm năm

Một ngày Xuân

Cụng ly, tìm ngày xưa trong mắt

Đi ngược thời gian về thời đẹp nhất

Nửa đời trôi qua như mới ngày nào


Gặp lại nhau


Vẫn cứ gọi mày, vẫn cứ xưng tao

Vẫn cứ lanh chanh … như thời để chởm

Kể chuyện ngày xưa rí ra rí rởm

Có thằng cup cour vô rạp cine

Có thằng si tình thả bước lê thê

Đêm về làm thơ, mai không dám gởi

“ Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”


Tuổi học trò đẹp tựa bài thơ

Bước vào đời bỗng thấy “ đời có số”

Đành rằng chung trường, chung lớp

Có người nhảy ra một bước sự nghiệp thênh thang

Có người tóc diểm màu sương vẫn lay hoay

cơm áo


Thôi !

Gác chuyện đời thường , còn nhớ nhau là quí

“ Tri túc, tri nhàn” coi vậy mà hay

Đời đã xế rồi, tay nắm bàn tay

Gởi lại trong nhau “ gừng cay muối mặn”




NÓI CHUYỆN QUÊ HƯƠNG GIỮA XỨ NGƯỜI


Đêm phương Nam, em gọi anh
Quê mình có bão
Anh nói : Quê mình là xứ bão
Miền Trung mà !
Người quê mình có sức sống bằng hai
 
Đêm phương Nam, em gọi anh
Quê mình hạn hán
Anh nói : Quê mình là cái nôi  của gió và nắng
Thời tiết bây giờ thay đổi khác xưa
Thương dân quê
Ruộng vườn thấm bao trăn trở
Được mùa mất giá
Được giá mất mùa
Hồi hộp nắng mưa
 

Anh ơi ! Đêm nay thơ Xuân ngoài ấy
Anh nói : Quê mình nhiều sông lắm núi
Sông núi cùng người phát tích văn chương
Dẫu đời thường một nắng hai sương 
Mà lòng vẫn đa sầu đa cảm
 
Bằng tất cả tự tin và cần mẫn
Người quê mình luôn khát vọng vươn lên
Bằng tâm tính đa sầu đa cảm
Người quê mình giàu bạn, giàu thơ




THA HƯƠNG NGỘ ĐỒNG MÔN

Tôi lang thang đi giữa Sài Gòn
Gặp lại bạn thời logo Nguyễn Huệ
Bên ly cafe chia nhau niềm nhớ
Nhớ quê,nhớ phố,nhớ tên đường...

Nhớ thuở đầu xanh cùng lớp chung trường
Giờ tan học áo bay pha màu nắng
Cái tuổi học trò đi qua thời chiến
Hơn kém nhau năm ba tuổi là thường
Kỷ niệm đầu đời cứ mãi vấn vương
Ranh giới mong manh " non tình nhân già tình bạn"
Giỏi toán, giỏi văn tỏ tình thì vụng
Lần lựa hoài hè đến, tiếc quá đi thôi

Đường về tương lai mỗi kẻ một nơi
Nhánh sông đời chảy sâu vào ký ức
Chiều Saigon giữa dòng người xuôi ngược
Tạm biệt nhau sau đuôi mắt học trò
                                                 
                                                      

                                                   





TRANG THƠ NGUYỄN HUY VI

NGUYỄN HUY VỊ  

  Viết tặng sinh viên ngành CĐSP Mỹ thuật ngày ra trường  


Em không là ca sỹ để cho đời si mê
Em không là nhạc sỹ vấn vương khúc tơ tình
Em gieo những nốt nhạc xinh
Duyên duyên dáng dáng bình minh cuộc đời...

Anh không là họa sỹ
Vẽ được tình mỹ nhân
Anh không là nghệ nhân
Tạc thời gian chơi vơi...

Hươ tay mấy nét khơi dòng
Vẽ cô giáo nhạc mắt trong ân tình



tặng các bạn K76 bài thơ viết năm anh em chúng ta 50 tuổi (2007)

Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh
Năm mươi tuổi – Tuổi đời : Tri thiên mệnh !
Cuộc hành trình ta rong ruổi trường chinh
Mỗi bước đi, đâu chỉ có một mình
Bên đồng đội, anh em vững chí.
                   ***
“Tri” là  gì?
Tri là biết cuộc đời luôn rộng mở
Rất thênh thang, mà gian khó không lường;
Mới thấy đó, nhưng đâu còn ở đó
Chút miên man, bất giác vô thường!?
          ***
“Thiên” là gì ?
Thiên là trời; ban hoạ, phúc trần gian.
Giấc mộng thiên san; Cánh bướm hồng trần
Kiếp nhân sinh không chấp nhận phân vân;
Hoạ hay phúc; là anh hùng phải chọn!
          ***
“Mệnh” là gì ?
Mệnh là mạng trời riêng phú cho ta.
Dẫu khổ, vui, cứ hát khúc hoà ca,
Lòng nhân ái, từ tâm người quân tử.
Năm mươi tuổi- tuổi đời TRI THIÊN MỆNH.



Cảm tác thơ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2011


Bài 1 : Nhớ ơn Thầy
(Hoạ bài thơ “Viếng thăm Thầy” của Lê Văn Học)
 Kính tặng Thầy Nguyễn Đảm
Cựu giáo viên Trường Trung Học Tổng hợp Nguyễn Huệ Tuy Hoà


Tôi nhớ ngày xưa đã học Thầy;
Minh sư thụ giáo quả thật may !
Khả tích tư duy dày trí tuệ,
Vi phân tồn tại ngộ rồng mây .
Công ơn khải đạo đường học nghiệp,
Nghĩa cử thâm sâu cuộc vui vầy .
Trọng đời tâm đức, lương sư phụ;
Cúc tửu dâng Thầy điền tuế say !
                                



Bài 2: Xướng - Họa thơ

Xướng: Vịnh Trường Nguyễn Huệ 55 tuổi
                                       Yên Lĩnh- Nguyễn Đảm

Nguyễn Huệ học đường tự khởi lai
Rồng mây cửa Võ lắm anh tài !
Kinh luân thao lược đâu chùn bước
Khoa học, văn chương há nhượng ai !
Tâm mỹ vẫn luôn gìn chẳng đổi,
Tình thâm hằng mãi nhớ không phai !
Ngôi trường, điểm tựa trong tâm thức
Của vạn môn sinh chốn vũ đài …


Họa: Vịnh Trường Nguyễn Huệ 55 tuổi
                                      Nguyễn Huy Vị

Ngũ thập ngũ niên; định tương lai !
Vinh danh Nguyễn Huệ đúc anh tài.
Bồ luân nghênh tiếp muôn hiền sĩ;
Hạo khí hồi loan được những ai ?!
Ân sư, tạc dạ lưu tâm tưởng;
Nghĩa sĩ, lòng son chẳng nhạt phai !
Viễn kiến, vững tin nền học hiệu

Hy vọng, ngày mai thượng kỳ đài !


Thơ họa mùa Xuân 
 Nguyễn Huy Vị

Giáp Ngọ trùng phùng Ngựa khứ lai
Sáu mươi năm trước nghĩ rất dài
Xoay lưng bóng Ngựa tràn qua cửa
Thấp thoáng Hồng hoa tựa Trúc mai



                   

          

TRANG THƠ ĐẶNG TẤN PHÚ

    em mặc áo màu gì ? 

      Gặp lại nhau, em mặc áo màu gì ?

      Áo màu vàng, em lại sợ chia ly             

      Áo màu trắng, anh sợ mình không xứng ..

      Chẳng phải người dưng sao còn lạ lạ:
      Như tình cờ, như tin nhắn mong manh, 
      Điện thoại gọi có lúc không, lúc có...

      Trời Sài gòn chang chang nắng đỏ     
      Anh một mình lại mơ đến màu xanh
      Áo em xanh và màu xanh của biển,
      Được cầm tay em, được về phố biển.
      Được cùng đi, đi về phía trời xa...
      Nơi ấy trắng hoa lau nở sớm giục vào hè
      Có phượng đỏ, có mai vàng xuân muộn...

      Em chẳng phải ngập ngừng... áo vàng hay áo tím 
      Bỡi màu áo nào anh cũng nhận ra em.
                                                             
                                                            
                                            
                                     MÙA XUÂN NHỎ
Đưa em đi chợ hoa ngày Tết
Đỏ hồng, vàng cúc, tím phong lan
Lạc giữa một rừng hoa khoe sắc
Lớn bé hoa gì em cũng quen ...

Mắt cười, miệng hỏi, tay nâng nhẹ
Hoa của người, tôi ngỡ của em !
Bên hoa em cứ như say rượu
Em cười bằng mắt, thở bằng tay...

Nắng xuân trải phớt hồng trên má
Đôi mắt cười chứa đủ cả màu hoa
Hương hoa ướp đẫm trong mái tóc
Áo cũng tươi màu hoa, nắng xuân...

Sau xe rúc rích em cười nói
Tôi chẳng hiểu gì, cũng thấy vui
Một mùa xuân nhỏ tôi đang chở
Đi giữa dòng người hối hả xuân...


Chol Chnăm Thmây  

Rồi em : Tóc xỏa môi cười
Mắt đen lúng liếng mắt cười hoang sơ...
Chân giữ nhịp tay đong đưa
Bàn chân trần nhỏ bước đùa cùng trăng
Ôi!  Chol -  Chnăm - Thmây - Sóc Trăng...

Em giờ bao tuổi, mừng tuổi mới ?
Tôi nhớ năm nào ... khoảng mười lăm!
Cũng cười cũng bước theo nhịp trống
Lóng ngóng chân trần, trăng tháng ba
Đôi mắt long lanh nhìn kẻ lạ
Cũng đủ hớp hồn khách phương xa...
                                   
Long lanh đôi mắt sâu thăm thẳm,
Quá khứ nào về từ ngàn năm  ?
Đôi mắt cười rất lạ:
Thuở hồng hoang xa xưa?
.....

Ta về 
       ...đôi mắt người đưa tiễn
Trăng trát vàng đường hẻm vắng tanh
Một màu vàng rực trong ký ức:
Mắt long lanh hay sương long lanh ?
                                                  mùa trăng tháng 3AL




                                tôi dối  ai ?

                                           Mi ngang che     mắt đa tình
                                           Sông hờ hững chảy in hình mi cong
                                           Núi cũng cũ cõng trên mình tháp cũ
                                           Thản nhiên nhìn     mưa trên sông...
                       
                                           Đò ai mất bến nằm phơi đáy ?
                                           Chân bước ngập ngừng qua lối xưa
                                           Ráng chiều, tháp cũ như thoa phấn 
                                           Gợi nhớ thương người tóc ngắn cài hoa

                                           Nhớ ngày ai lén thoa lên má
                                           Tôi ngỡ nắng chiều lén hôn lên
                                           Nhớ ngày người khóc khi đưa tiễn
                                           Tôi nói dối nhiều, em...cũng tin !

                                           Người xa thư cũ năm ba cánh
                                           Vội lạc bên lề, chuyện áo cơm !
                                           Người xa quặn thắt lòng tự hỏi:
                                           Tôi dối mình hay tôi dối em ?

                                           Ngày mai mưa bụi còn rơi nữa ? 
                                           Gợi nhớ, em về thăm phố xưa ?
                                           Gặp lại: em mừng - hờn dỗi - trách ?
                                           Em còn thương kẻ nỡ dối em ?


SAO LỤC THƠ HỌC TRÒ 40 NĂM TRƯỚC
Áo đỏ
                  Riêng tặng Chánh Luân Quát

Theo người áo đỏ sang sông
Khách thưa, sông vắng, người không...ới đò !
Ngập ngừng... áo đỏ đưa tay với
Ngắt cánh hoa gì ngậm khóe môi ?
Cuối Giêng hái lộc, e hơi muộn !
Lộc của người hay lộc của tôi
Lâm râm cầu khấn : đò đừng đến,
Mưa bụi rơi nhiều để xin chung
Chiếc dù be bé che...chắc đủ! 
Một bóng, hai người dưới mưa xuân...


Ngôi trường Tháng hai

Tháng hai vương chút nắng hồng
Trường tôi e ấp gió lồng lá xanh
Những chiều lá rụng đầy sân
Bỡi cơn gió nhẹ cuối đông vật vờ
Nhìn người tôi biết mộng mơ
Biết xao xuyến bỡi hồn thơ dạt dào...

    Bây giờ mây trắng trên cao
    Tháng hai lá mới thay vào lộc non
    Lối xưa dáng ấy vẫn còn
    Vẫn bờ tóc ngắn vẫn tròn mắt mơ...
    Nơi đây tôi vẫn còn chờ 
    Vẫn triền miên nhớ, giấc mơ ngày nào

Bóng nghiêng loang gốc phượng hồng
Hồn nghiêng theo nhịp nắng hồng tháng hai...
                                     Trích 2 bài trong  Giai phẩm Xuân lớp 10B2 ( 1973-1974)
                                               

                                          

TRANG THƠ ĐOÀN PHIN

HOA CÓ NGHĨA GÌ 
Anh cầm bó hoa
                         Em trầm trồ khen đẹp
                         Ta hững hờ em nào có biết
                         Mặt em hồng hoa có nghĩa gì đâu 
                                                                              13.11.2012 Đoàn Phin





CHÔN EM

Ta đã chôn em

Trong cõi vô thường

Ta đã chôn em

Một đời thương nhớ!

Ta đã chôn em

Mà nào tẩm liệm

Ta đã chôn em

Sâu thẳm đáy tim!

                                                                   23-11-2012 
                                           

TRANG THƠ PHẠM PHÚ

ÁP THẤP VỀ

Áp thấp về
Nhìn mưa nặng hạt, nhớ cơm dẻo - cá rô kho lá gừng
Em vắt cho anh từng vắt ươn ướt bụi mưa thêm nén chặt
Hai đứa ngấu nghiến như đã chưa từng…!
Mưa vẫn nặng hạt, cơm dẻo - cá rô kho lá gừng, xin đừng bỏ nhau
………………………
Gió đông bắc lại về.
Sợ phênh nhà trước ngõ mong manh
Mà vắng bóng người cột dằng che chở.
Đêm mưa, gió lùa “Nàng thơ” ơi xa vắng!



        TA - EM - BIỂN

Ta, Em và Biển
Biển vắng Em, giận dữ, gầm gừ.
Ta vuốt ve, Biển đỏng đảnh dỗi hờn.
Ta có làm gì đâu mà Biển giận?
Chỉ muộn phiền - bất lực ta ơi!
Không giữ Em bên Biển bên mình.
Em theo với nghìn trùng cách biệt…
Biết bao giờ Em về với Biển !!!
 Cùng bên Ta, Biển vỗ sóng tự tình.

                            GHÉT

 Ghét Sài Gòn, ghét cơn mưa dai dẳng
Ghét đông người, ghét lối cũ đi qua.
Biết làm gì khi hừng đông réo gọi,
Ghét bước chân Ta quấn quít bên Người.
Cứ như thế! Ta không còn chịu đựng.
Phải về thôi dù nỗi nhớ xót xa.
Con hẻm vắng, thôi đưa tình lỡ hẹn
Vẫy tay chào một lần cuối tình ơi!
Có tiếc nuối cũng đành thôi tâm tưởng,
Ta quay về về với thuở hồng hoang.
Thôi người nhé ! xin chớ đừng bịn rịn,
Chỉ nhận lời: “Chúc thượng lộ bình an” 

KHÔNG ĐỀ
Em như chim én chao bay mất - Nỗi
Còn lại mình Ta giữa biển mưa - Buồn
Nẻo về hun hút chân rịu rã - Ngẩn


Đâu phải gió Đông mà tái tê - Ngơ

KHOẢNG CÁCH - Truyện ngắn Lưu Phúc

KHOẢNG CÁCH



“… Máy bay trực thăng lên cao dần, làng xóm nhỏ lại, tôi cố nhoài người ra khung cửa nhìn lại phía sau con tàu lưu luyến hình ảnh quê hương mình cho đến khi khuất hút. Quê tôi, thung lũng được chia đôi bởi dòng sông Ba, một bên là làng Dinh điền- bờ quê, một bên là huyện lỵ- bờ phố…

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .



… Tiếng đông cơ diezein văng vẳng đều đều của nhà máy đèn Tuy Hòa, tiếng gió bấc từ Ninh tịnh thổi vào, tiếng còi tàu từ sân ga, tiếng leng keng xe ngựa ra vào chợ… tạo thành một giai điệu “ Mùa Đông Tuy Hòa” sao mà buồn quá. Tôi không thể ngồi hơn nữa trên gác trọ với bài vở, có học cũng không vô, nghỉ thôi, đến nhà Phượng, vì chỉ trong mắt Phượng tôi mới tìm thấy khung trời của mình…”



       Những trang nhật ký học trò bốn mươi năm qua ghi lại phần nào bức tranh thành phố Tuy Hòa đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, là khung trời của tình yêu tuổi học trò đã theo tôi đi nhiều nơi qua bao lần thay nhà đổi chỗ, có lẽ nó là biểu tượng tình yêu đầu đời còn sót lại của cậu con trai thời mới lớn, mới bước những bước chân đầu tiên vào vườn địa đàng nên lần nào đọc lại cũng thấy hấp dẫn

       Ngày ấy quê tôi bị chiến tranh cô lập với các nơi, dù chỉ cách tỉnh lỵ năm mươi cây số nhưng đó là một ốc đảo, một thung lũng của lính, một xã hội có nhiều đặc thù. muốn về thành phố đi các nơi chỉ duy nhất là quá giang máy bay quân sự, nhưng để có được chuyến đi phải chờ chực hàng tuần lễ, thanh niên về phố học chỉ đếm đầu ngón tay. Tuổi học trò của tôi nằm trọn trong cuộc chiến, thiếu thầy cô, thiếu sách giáo khoa nên khi bước vào bậc trung học Cha tôi tìm cách gởi về thành phố cho dù gia đình phải thắt lưng, buộc bụng, mặc dù ở đây có trường trung học tỉnh hạt dành cho học trò các quận.

       Những ngày đầu mới về thành phố tôi ngơ ngác và lạ lẫm đủ điều, trước khi đi Cha Mẹ đã chỉ nhiều điều cần thiết nhưng tôi vẫn không tài nào thích nghi tức thời được, một thế giới sang trọng, phồn hoa và con người nữa, họ nhanh nhẹn và văn minh hơn. Rồi đến buổi học đầu tiên, lạ trường, lạ thầy cô, lạ bạn bè … nhưng vẫn mừng vì thấy đời mình được nâng lên một bậc so với các bạn còn học ở quê nhà, giờ ra chơi tôi thường một mình tìm ghế đá yên tĩnh để ngắm những tán phượng già tạo thành vùng bóng mát rộng lớn như một ô dù khổng lồ che cho mấy trăm bướm trắng tung tăng trong sân trường, hình ảnh một ngôi trường lâu đời, bề thế và đội ngũ thầy cô đầy đủ, sang trọng… cái thế giới học trò mà các trường quận không thể nào có được . Thế hệ chúng tôi ở Phú Yên được làm học trò Nguyễn Huệ là một niềm vinh dự cho gia đình, được mang lôgô Nguyễn Huệ trên ngực là niềm tự hào với các bạn học trường tư thục
***

       Cuộc đời đôi khi có những trường hợp không biết là đáng ghét hay đáng thương bởi “ lúc thì chẳng có ai, lúc thì vừa trai vừa gái”, thực vậy , sau thời gian cố gắng để thoát khỏi cô đơn, thoát khỏi quê mùa tôi phải nhiều vất vả mới dần thành người phố, nhưng hòa nhập được rồi thì lại gặp Phượng, cô bạn học cùng lớp ở quê nhà cũng được Cha Mẹ tìm cách cho về học trường lớn ở phố, về học cùng trường nhưng khác lớp, em nhỏ hơn tôi ba tuổi, thời ấy dù học cùng lớp nhưng hơn, kém nhau năm ba tuổi là chuyện thưòng, vì đó là hậu quả của trưòng lớp bị cháy, xóm làng bị xóa sổ bởi chính sách dồn dân… tôi cũng thuộc diện học nhiều năm một lớp thời tiểu học , sau này nghe nói cô giáo ở Tuy Hòa lên dạy các bạn tôi tuổi Tỵ mà anh lớp trưởng tuổi Ngọ, nghĩ lại chạnh lòng ghê . Phượng , với tôi em là một tiểu thư đúng nghĩa, em đẹp, ham học, nhà giàu ở “ bờ phố” nhưng đáng quí là em không kiêu hãnh . Tôi, con trai của thầy giáo dạy trường làng, nhà ở “bờ quê”, tôi chỉ cho phép mình xem em như một bông hoa đẹp, một nét tinh khôi của cuộc đời và luôn dặn lòng hãy đứng xa ngưỡng mộ để khỏi bị hụt hẫn và cũng để bảo vệ cái danh hiệu ” học giỏi nhất lớp” của mình

       . Cảnh “Tha hương ngộ đồng hương” đã đưa tôi và Phượng gần nhau hơn giữa thành phố rộng lớn và xa lạ này, những lúc nhớ nhà hoặc khi thấy lòng trống vắng tôi thường đến nhà trọ nói chuyện với em . Buổi chiều mùa Đông không mưa, trời âm u và lạnh khô, Phượng rủ tôi lên núi Nhạn chiêu đãi món ăn học trò mà quê mình không có , đó là sắn nước chấm muối ớt , luôn tiện trao đổi về bài học “ Hàn nho phong vị phú” và quan điểm “ Tri túc tiện túc” của Nguyễn Công Trứ để chuẩn bị làm thuyết trình mà em đã nhờ tôi trước đó vài ngày, thú thực hồi đó tôi chỉ ham học toán và giỏi toán, xem văn là môn phụ, nhưng với người đẹp mà ! phải chứng tỏ mình hơn hẳn kiến thức chứ, tôi đọc ngấu nghiến những tư liệu nói về nhà thơ nghèo và đầy thăng trầm này . Rồi kết quả cũng tốt, gác chuyện học lại chúng tôi nói về thực tại chiến tranh, về ốc đảo quê mình, về định hướng của nhau…nói cho có chuyện để nói chứ còn non choẹt trong cái xã hội bị chiến tranh thay đổi từng ngày biết gì mà định với hướng, ngôn ngữ của con mắt là chính . Ngoài xa, hướng Hòa Quang, Bình kiến tiếng súng thỉnh thoảng vọng về, Phượng nhìn lên lưng tháp cổ chỉ đôi chim đang rỉa lông cho nhau, em hỏi tôi “ theo anh đó là gì,tôi trả lời “đôi chim đang trốn lạnh và nghỉ cánh” em nhìn mắt tôi thật lâu rồi nói gọn lỏn “ NGỐC !” 

       Tết 1975, cái tết sau cùng của thời chiến tranh chúng tôi rủ nhau chơi Xuân ở bãi Dinh một khúc sông đẹp vùng Sông Ba hạ rất phù hợp cho picnic, có thác đổ phía trên, hai bên núi choài ra tận bờ, lòng sông có nhiều cồn cát sạch và đẹp được cây rù rì che phủ tạo thế giới riêng cho từng đôi nam nữ. Ăn trưa xong tôi và Phượng tìm nơi vừa mát vừa xa bạn bè để nghỉ, mấy năm qua chúng tôi mãi đứng bên cái ranh giới “ già bạn bè, non tình nhân” có lẽ là do tôi thiếu tự tin, nhiều mặc cảm và còn một nhiệm vụ lớn hơn là phải lấy cho được mảnh bằng tú tài vì nếu không thì bị xem như đứa con bất hiếu, tương lai sẽ là cầm súng gác cho người ta ngủ, còn Phượng, em là con gái mà !. Tôi mạnh dạn choàng tay qua vai Phượng nói trong hơi thở không bình thường

   - Vài tháng nữa nếu anh rớt tú tài, hoặc chút nữa mấy ông trên núi dẫn anh đi, thì anh sẽ tồn tại trong em được bao lâu

       Sắc mặt Phượng thay đổi nhưng em cũng trả lời nhanh

      - Sao anh nói chuyện bằng cấp với em, còn nếu sợ mấy ổng thì đến đây làm gì

       Tôi muốn nói “ vì em” nhưng lại thôi và chuyển sang cách nói khác :

      - Nếu như đời anh buộc phải đi qua những ngả rẽ vừa nói thì  đây là khoảnh khắc sau cùng , anh xin đổi sự phó mặc để được nụ hôn đầu đời nghe em 

      Phượng nhìn về phía xa:

      - Anh học giỏi nhưng NGỐC lâu quá 

       Nụ hôn đầu đời có dư hương như thác đổ được đổi bằng phiêu lưu tương lai, phó mặt thực tại
***



       Ba mươi năm sau tôi về Gài Gòn làm việc mục đích là dọn đường để vài năm nữa yên tâm đưa con về đây học đại học . Không ngờ những lời tôi nói với Phượng ớ Bãi Dinh trong cái tết sau cùng của tuổi học trò lại là sự thật . Tôi giã từ nhà trường thăng trầm theo sự nghiệp, bồng bềnh theo dòng đời, còn em lấy chồng, chỉ tiếc là cuộc chia tay không gặp được nhau, mà buồn hơn là mỗi người đều mang một sự hiểu lầm đi về một phía . Nghe nói em lấy chồng về thành phố được một thời gian dài rồi cơm không lành, canh không ngọt , đành phải chia tay, em về Sài Gòn đã mười năm rồi, tội nghiệp em quá, “ Hồng nhan đa truân, hồng nhan bạc phận” người xưa nói vậy, ngày em theo chồng tôi cố nén cái tiếc nuối và ích kỷ của mình để thực sự mừng em đã lấy được người chồng hơn tôi nhiều mặt, nhưng thực tế bài toán ngoài đời khác với sách giáo khoa nhiều quá : hai lần hai không phải là bốn . Ba năm ở Saigon tôi tìm em để nói lời chia sẻ của kiếp người và cũng để thanh minh cho nhẹ lòng nhau nhưng đều hoài công, có lúc kẹt đèn đỏ tôi nhìn rừng người mà lòng tự tuôn tràoChiều Saigon ngựa xe mắc cửi/ Em về đâu trong xuôi ngược dòng người/ Tinh mênh mông mà kiếp người hữu hạn/ Tình treo ta trên thập giá cuộc đời 



       Chiều Thu ở quê nhà, cơn mưa sang mùa mang về chút se lạnh xua đi cái oi bức nhiều ngày trước đó, khúc giao mùa dễ làm người ta thấy lòng khan khác, có lẽ ở tuổi tri thiên mệnh ta thường hoài niệm, thường hay tìm lại ký ức mình. Buổi chiều xuống nhẹ, tôi thấy lòng như nhớ nhung hay lo âu một cái gì đó không rõ ràng, tâm trạng pha trộn bâng khuâng và man mác, uống cạn bình trà nhưng vẫn chưa lý giải được, đành lấy cuốn nhật ký học trò ra đọc lại để giải tỏa hiện tượng tâm lý khác thừờng này, coi vậy mà có lý, lòng tôi nhẹ hẳn, hồn tôi ngược về tuổi đẹp nhất, mới đọc được vài trang đầu thì có điện thoại gọi đến : “ xin lỗi đây có phải là số máy của anh Diệp không ạ”- “Đúng rồi tôi là Diệp, xin lỗi chị là ai”- “ Nếu thu xếp được, mời anh tối nay khoảng bảy giờ đến cà phê Hà Đông ,rất mong được gặp, cố gắng nhé”, máy cúp đột ngột .Ai vậy? Giọng nói của người đàn bà miền Nam .Có lẽ nào mấy năm ở Saigon mình đã vô tình mắc nợ, thứ nợ không thể trả bằng tiền . Hay đây một trò ú tim v.v và v.v , tôi đặc ra nhiều tình huống để dự đoán nhưng chẳng chọn được cái nào

       Cà phê Hà Đông vào giờ cao điểm người đông như rừng, tôi rút điện thọai lục nhật ký số đã nhận buổi chiều nhưng chưa kịp gọi thì có em bé phục vụ của quán đến “ mời chú đi theo cháu”, đến lúc này thì lòng tôi thực sự lo âu, bụng bảo dạ “ chắc đây là điềm dữ rồi”, tôi theo em bé ra khu phía sau của quán thường dành cho khách lớn tuổi, thì ra … những người bạn học cùng lớp ngày xưa của tôi, gồm ba nam hai nữ, như trút được áp lực tôi bình tĩnh ngồi vào ghế chờ sẵn, chào bạn vài câu xã giao và châm điếu thuốc “ăn mừng” thì từ trong bóng tối phía sau một người đàn bà bước tới không nói năng gì đưa tay mời tôi bắt, trong ánh sáng đèn mờ chưa biết rõ đó là ai nhưng tôi cũng đưa tay đáp lễ vì tin vào những người bạn xung quanh mình, khi chúng tôi nắm tay nhau cả bàn đồng loạt vỗ tay, trời ơi…Phượng ! Tôi cảm thấy mình đứng không vững nữa , người cứ nóng lên…, tôi không thể ngờ gặp lại được, em đã biền biệt không về quê, không liên lạc với bạn bè dù chỉ bằng điện thoại từ khi hạnh phúc gia đình tan vỡ gần hai mươi năm rồi vì mặc cảm, ba năm ở Saigon em biết tôi cố tìm mà vẫn không chịu gặp thì làm sao về tại quê nhà trước bao nhiêu con mắt người thân quen tôi gặp được em, nhưng, đời là thế, tình cảm không phải như toán học, nó không có một qui tắc hay công thức nào cả, thậm chí nó còn ngược chiều với lý trí nữa.

       Khách trong quán thưa dần , bạn bè cũng tế nhị rút sớm, tôi và Phượng nói với nhau nhiều điều , từ chuyện vụng dại ngày xưa đến chuyện được mất từ khi bước vào đời, ba mươi lăm năm dồn lại một giờ, ai cũng muốn nói để phát tiết cho nhẹ lòng. Tôi thể hiện sự khâm phục của mình đối với em, em không ngã quị và luôn bồng con đi về phía trước, hành trình ấy em đã trả giá rất nhiều nhưng không để mất nhân cách , mất chính mình

       Tôi ôm Phượng vào lòng thì thầm “ nếu trên đời này có cuộc tình mà nụ hôn đầu tiên cách nụ hôn thứ nhì ba mươi lăm năm thì đó có phải là cuộc tình đẹp không”, em ngã vào lòng tôi chờ đón chút hạnh phúc muộn màng còn lại của đời người , tôi hôn lên má em mà nghe dòng nước mắt còn nóng, em hôn đáp lại kèm theo câu nói pha lẫn vui buồn “ NGỐC CỦA EM” đời đã xế rồi .

       Phượng đã về Saigon, bỏ lại quê nhà, mùa Thu và tôi . Tôi miên man suy nghĩ với khoảng cách thời gian giữa hai nụ hôn, khoảng cách hạnh phúc của cuộc tình tôi với em và khoảng cách phần đời còn lại của chính mình
                              -------------------

TIẾNG HÁT CỦA LAN HUONG

Vào lúc 5:13 Thứ Hai, 18 tháng 11 2013, Huong Lan thi LE <lanhuong1958@yahoo.com> đã viết:
gui anh bai nhac moi lam cho ban be nghe thu